Hotline: 0989722581
Số người đang online: 10
Online Counter
Những vụ bê bối trong các dự án nạo vét đường thủy nội địa (ĐTNĐ) gần đây cho thấy sự thiếu vắng quy định về đấu thầu của Bộ Giao thông vận tải đối với loại dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm.
Dư luận cho rằng, đây là một điểm cần khắc phục trong thời gian tới, nếu muốn giải quyết triệt để vấn nạn “cát tặc” núp bóng nhà đầu tư, doanh nghiệp đề xuất dự án.
Bất cập trong quy định
Hoạt động nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm hiện áp dụng quy định tại Thông tư số 69/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 quy định về nạo vét luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm (TT69).
Theo Bộ GTVT, hiện nay có 66 dự án nạo vét, duy tu kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến ĐTNĐ quốc gia. Trong đó, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, bàn giao. Từ cuối năm 2015 đến nay, Cục ĐTNĐ đã chấm dứt 22 dự án do năng lực của nhà đầu tư hạn chế, chậm triển khai dự án, không hoàn thành thủ tục để thi công theo quy định. Một kết luận thanh tra của Bộ vào cuối năm 2016 cho biết, trong số các dự án đã được cấp phép, số dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt lên đến 47 dự án.
Thực tế cho thấy, việc không áp dụng đấu thầu cạnh tranh tại các dự án nạo vét đã gây nên nhiều hệ lụy, trong đó đáng chú ý là nguy cơ thất thoát tài nguyên của Nhà nước. Cục trưởng Cục ĐTNĐ mới đây cho rằng, lý do không đấu thầu các dự án nạo vét luồng đường thủy kết hợp với tận thu sản phẩm trong thời gian qua là vì chưa có quy định về đấu thầu và chưa có kinh phí để lập dự án đấu thầu.